Trong một đoạn sông ngắn chưa đầy 30km và dốc thuộc khu Bảo tồn thiên nhiên Phong Điền, Thủy điện A Lin B1, B2 cùng thủy điện Rào Trăng 3 và 4 nằm trong hệ thống “thủy điện bậc thang” trên thượng nguồn sông Bồ.
Vừa qua, mưa lũ đã gây sạt lở thuỷ điện Rào Trăng 3 ở xã Phong Xuân, huyện Phong Điền, tỉnh Thừa Thiên Huế khiến nhiều cán bộ, chiến sĩ thiệt mạng.
Cùng với thủy điện A Lin B1, B2 từ sông A Lin (huyện A Lưới), thủy điện Rào Trăng 4 ở bên dưới, thủy điện Rào Trăng 3 tạo thành hệ thống “thủy điện bậc thang” công suất nhỏ trên hệ thống thượng nguồn sông Bồ.
Trong một đoạn thượng nguồn sông ngắn chưa đầy 30km và dốc thuộc khu Bảo tồn thiên nhiên Phong Điền có tới 4 cái thủy điện công suất nhỏ. Thuỷ điện Rào Trăng 3 cách Rào Trăng 4 khoảng 10 km. Còn thuỷ điện A Lin B1 ở thượng nguồn góp phần tăng nguồn nước cho 3 bậc còn lại và cả thuỷ điện Hương Điền thì cách Rào Trăng 4 chưa tới 20 km.
Như đã đưa tin trong bài trước đó, CTCP Thuỷ điện Rào Trăng 3 - chủ đầu tư dự án cùng tên lại có địa chỉ trụ sở trùng với CTCP Thuỷ điện Rào Trăng 4 - chủ đầu tư nhà máy thuỷ điện Rào Trăng 4 và cũng chính là chỗ ở hiện tại của ông Lê Văn Hoa (sinh năm 1974) - Chủ tịch HĐQT của CTCP Thuỷ điện Rào Trăng 4.
Hai dự án thuỷ điện còn lại trong hệ thống "thuỷ điện bậc thang" là A Lin B1 và B2 đều liên quan tới nhau.
Dự án thuỷ điện A Lin B1 được xây dựng tại xã Hồng Vân, Hồng Trung, huyện A Lưới và xã Phong Xuân huyện Phong Điền.
Công suất lắp máy là 42 MW, với tổng mức đầu tư của dự án gần 900 tỉ đồng. Dự án thuỷ điện Alin B1 đã hoàn thành đóng điện vào cuối tháng 1/2019.
Thuỷ điện A Lin B1 do CTCP Thuỷ điện Trường Phú làm chủ đầu tư. Công ty Thuỷ điện Trường Phú thành lập ngày 10/8/2007 có trụ sở tại số 189 Phạm Văn Đồng, phường Vỹ Dạ, TP Huế.
Ngày 17/1/2019, Trường Phú tăng vốn từ 340 tỉ lên 400 tỉ đồng. Ông Tân Xuân Hiến sinh năm 1961 đang là Chủ tịch HĐQT kiêm người đại diện pháp luật của Trường Phú.
Tra cứu thông tin trên Tổng cục thuế thì ông Tân Xuân Hiến còn đang là người đại diện pháp luật của loạt doanh nghiệp lớn như: CTCP Điện Gia Lai (Mã: GEG), CTCP Năng Lượng Gia Minh.
Ông Tân Xuân Hiến chính là Chủ tịch HĐQT của Điện Gia Lai với 27 năm quản trị và điều hành tại đây. Về Điện Gia Lai, đơn vị này chuyên đầu tư vào lĩnh vực năng lượng (điện mặt trời, điện gió, thuỷ điện) với vốn điều lệ 2.039 tỉ đồng.
Tại Thừa Thiên Huế, Điện Gia Lai đang đầu tư trực tiếp vào thuỷ điện (6 MW), điện mặt trời (48 MWp - 35 MW). Công ty cũng có hai công ty chuyên sản xuất điện tại đây gồm Công ty TNHH MTV Thủy điện Thượng Lộ, Công ty TNHH MTV Điện Mặt trời Phong Điền (đã thành lập nhưng chưa góp vốn) cùng một chi nhánh.
Theo công bố trên Cổng thông thông tin quốc gia về đăng kí doanh nghiệp thì trước thời điểm ngày 23/8/2018 thì cơ cấu cổ đông của Thuỷ điện Trường Phú gồm: CTCP Đầu tư Tín Việt (25%), CTCP Trường Phú (19,5%), ông Nguyễn Viết Phú (14%), Ngân hàng TMCP Sài Gòn Thương Tín - Sacombank (11%).
Loạt cá nhân, tổ chức sở hữu dưới 10% gồm: Lê Văn Xê (10%), Nguyễn Mậu Chi (7%), Đỗ Thanh Lâm (6%), Trần Quang Tuyết (3%), Trần May (2%), Phạm Thị Kim Nhung (0,5%), CTCP Đầu tư Thuỷ điện Sông Lam (0,5%), CTCP Đầu tư Xây dựng Giao thông - Thuỷ lợi Thừa Thiên Huế (1,5%).
Tuy nhiên, sau ngày 23/8/2018 thì cơ cấu cổ đông có sự biến động mạnh khi CTCP Trường Phú, CTCP Đầu tư Tín Việt, CTCP Thuỷ điện Song Lam; ba cá nhân Nguyễn Mậu Chi, Trần Quang Tuyết, Lê Văn Xê đã rút sạch vốn tại đây.
Dù không thoái sạch vốn nhưng các tổ chức và cá nhân còn lại đã giảm sở hữu tại Thuỷ điện Trường Phú. Danh sách về cổ đông lớn nhận chuyển nhượng không được công bố.
Trong nhóm cổ đông trên thì CTCP Trường Phú do ông Nguyễn Viết Phú làm Tổng giám đốc kiêm người đại diện pháp luật. Còn CTCP Đầu tư Tín Việt từng có thời gian nắm tới 40% vốn của Điện Gia Lai.
Sự xuất hiện của Sacombank trong cơ cấu cổ đông của Thuỷ điện Trường Phú không quá khó hiểu khi Điện Gia Lai được coi là một "đế chế" mới chuyên đầu tư năng lượng của ông Đặng Văn Thành - Chủ tịch HĐQT Tập đoàn Thành Thành Công (TTC).
Trở lại với CTCP Thuỷ điện Trường Phú thì công ty này từng dính sai phạm trong quá trình thi công dự án nhà máy thủy điện A Lin B1 khi có hành vi khai thác cát, sỏi trái phép tại sông A Lin.
Theo nguồn tin của người viết thì trước năm 2019, Thuỷ điện Trường Phú gần như chưa có doanh thu lợi nhuận. Năm 2019, Trường Phú đạt gần 6,5 tỉ đồng doanh thu, lỗ sau thuế gần 14,5 tỉ đồng. Tổng tài sản cuối năm 2020 đạt 1.475 tỉ đồng, vốn chủ sở hữu gần 386 tỉ đồng.
Theo báo cáo tài chính hợp nhất bán niên 2020 sau soát xét, tại ngày 30/6 Điện Gia Lai có khoản phải thu về cho vay gần 71 tỉ đồng với Thuỷ điện Trường Phú. Thời hạn cho vay là tới tháng 7/2020. Đây là khoản vay tín chấp với lãi suất 13%/năm nhằm mục đích bổ sung vốn lưu động.
Cổ đông bí ẩn đứng sau dự án thuỷ điện A Lin B2
Dự án thuỷ điện A Lin B2 do CTCP Thủy điện A Lin 2 làm chủ đầu tư. Theo giấy chứng nhận đăng kí đầu tư thay đổi lần đầu thì dự án có công suất 20 MW, điện lượng trung bình hàng năm là 80,65 triệu Kwh/năm.
Công trình đầu nối ở xã Phong Mỹ, huyện Phong Điền còn lòng hồ và đập chính ở xã Hồng Vân, huyện A Lưới. Diện tích đất sử dụng của dự án là 184,3 ha với tổng vốn đầu tư 600 tỉ đồng. Trong đó, vốn góp thực hiện dự án chỉ có 90 tỉ đồng, chiếm 15% tổng nguồn vốn.
Theo tiến độ trên giấy đăng kí đầu tư thì dự án khởi công tháng 9/2015 và hoàn thành tháng 12 cùng năm cho giai đoạn 1. Còn giai đoạn 2 khởi công xây lắp công trình vào quí I/2016 và đưa vào sản xuất trong quí IV/2018. Thực tế, tới cuối năm 2019, dự án mới hoàn thành.
Về chủ đầu tư của A Lin B2, CTCP Thủy điện A Lin 2 thành lập ngày 29/7/2009, có trụ sở tại số 103D Trường Chinh, phường An Đông, TP Huế. Vốn điều lệ thời điểm tháng 7/2016 khoảng 90 tỉ đồng.
Căn cứ thông tin công bố tới cuối tháng 4/2017 thì ông Nguyễn Văn Khang sinh năm 1964 đang là Chủ tịch HĐQT kiêm người đại diện pháp luật của CTCP Thuỷ điện A Lin 2.
Ông Khang còn đang là người đại diện pháp luật của CTCP Đầu tư Xây dựng Trường Sơn (vốn 320 tỉ đồng), Công ty TNHH Konia.
Ông Nguyễn Ngọc Thư (1979) làm Giám đốc; bà Lâm Thị Hồng Phong (1968), bà Ngô Thị Hoa (1974) cùng ông Bùi Trần Huy Khánh (1992) đều là thành viên HĐQT. Đáng lưu ý, bà Hoa có địa chỉ chỗ ở trùng với ông Nguyễn Văn Khang, Chủ tịch HĐQT.
Theo cơ cấu cổ đông công bố trước ngày 19/7/2016 thì cổ đông của Thuỷ điện A Lin 2 gồm nhiều cá nhân, tổ chức cũng là cổ đông của CTCP Thuỷ điện Trường Phú như: CTCP Đầu tư Thuỷ điện Sông Lam (0,7%), Nguyễn Mậu Chi (1,6%), Trần Quang Tuyết (0,3%), Đỗ Thanh Lâm (1,5%), Nguyễn Viết Phú (4,4%), Lê Văn Xê (3,2%), Trần May (3%).
Các cổ đông được công bố còn lại là CTCP Cơ khí - Xây dựng Công trình Thừa Thiên Huế (2%), CTCP Hương Thuỷ (3%), CTCP An Phú Thừa Thiên Huế (3%).
Tuy nhiên đây chỉ là danh sách các cổ đông nhỏ lẻ còn hơn 77% cổ phần thuộc về tổ chức hay cá nhân nào thì lại không được công bố. Từ ngày 19/7/2016, cơ cấu cổ đông đã có sự thay đổi nhưng không được cập nhật chi tiết số liệu.
Theo số liệu người viết có được, năm 2019, CTCP Thuỷ điện A Lin 2 ghi nhận doanh thu hơn 18 tỉ đồng và lỗ gần 10 tỉ đồng. Tổng tài sản cuối năm 2019 gần 618 tỉ đồng, vốn chủ sở hữu là 146 tỉ đồng.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét