Xuất hiện cuối cùng trong tập 12 Shark Tank Việt Nam mùa 4 là ông Trần Viết Quân, CEO Founder của CTCP ứng dụng Di động xanh với ứng dụng quản lý nhân sự, chấm công Tanca. Ông Quân đến kêu gọi số vốn 150.000 USD cho 3% cổ phần của công ty.
Theo giới thiệu, Tanca giúp giải quyết vấn đề chấm công và xếp ca bằng điện thoại di động thông qua định vị GPS, wifi và nhận diện khuôn mặt bằng trí tuệ nhân tạo. Đến nay, Tanca đã có hơn 50.000 người chấm công bằng điện thoại di động, trở thành một trong những ứng dụng dành cho chấm công lớn nhất Việt Nam.
Cuối năm 2019, Tanca ra mắt một phiên bản mới cho phép tích hợp tất cả máy chấm công vân tay trên thị trường. Giải pháp của Tanca sẽ đẩy dữ liệu từ máy chấm công lên cloud (điện toán đám mây) mà không cần thông qua phần mềm trên máy tính.
Cuối năm 2020, Tanca hợp tác với một công ty để ra mắt camera trí tuệ nhân tạo. Chỉ cần đi qua camera từ 2 m đến 4 m, camera sẽ tự động ghi nhận và chấm công. Điều này sẽ giảm thiểu thời gian chấm công, đồng thời có thể an toàn trong mùa dịch COVID-19. Hiện tại, Tanca đang phục vụ cho khoảng 700.000 doanh nghiệp.
Hiện tại Tanca không chỉ phục vụ các doanh nghiệp ở Việt Nam mà còn cung cấp giải pháp cho các doanh nghiệp nước ngoài như Nhật, Singapore, Mỹ,.... Do đó, quy mô thị trường rất lớn và nhu cầu thị trường không thiếu, startup nhận định.
Ngoài ra, Tanca còn cung cấp hệ thống quản lý yêu cầu liên quan đến chấm công như xin nghỉ phép, xin ra ngoài công tác, xin tăng ca...
Về bức tranh tài chính, ông Quân cho biết doanh nghiệp của mình được thành lập từ năm 2016, vốn điều lệ 3,5 tỷ. Năm 2019, doanh nghiệp đạt doanh thu 2 tỷ; năm 2020 đạt hơn 5 tỷ; 4 tháng đầu năm 2021 đạt hơn 2 tỷ, lợi nhuận khoảng 20% mỗi tháng. Ông Trần Viết Quân cho biết startup của mình đã đạt điểm hòa vốn và sử dụng dòng tiền đó để nuôi đội ngũ của mình.
Ông Quân mong muốn tìm kiến người đồng hành trong việc phát triển ứng dụng cũng như mở rộng thị trường. Hiện tại Tanca có khoảng 700 khách hàng doanh nghiệp active (hoạt động), trên 500 khách hàng trả tiền với khoảng trên 50.000 người dùng trên thiết bị di động. Mục tiêu của Tanca là 100.000 khách hàng trong vòng 5 năm tới.
Với 150.000 USD, ông Quân dự định sẽ phát triển công nghệ để tạo ra sự khác biệt với đối thủ trên thị trường.
Trả lời câu hỏi của Shark Phú về khả năng kết nối với các phần mềm khác của doanh nghiệp, tính bảo mật, cách thu tiền..., ông Quân cho biết Tanca đặt dữ liệu trên Amazon service và có các chuẩn bảo mật.
"Bọn em làm việc với các doanh nghiệp hàng ngàn người nên phải chứng minh được khả năng về mặt công nghệ...", ông Quân nói. Tanca cũng đã kết nối rất dễ dàng với các phần mềm ERP (phần mềm quản lý đa chức năng của doanh nghiệp).
Tanca hiện đang thu tiền theo hình thức subcription (thuê bao) thuê hàng tháng hoặc hàng năm. Đối với mảng chấm công, startup bán với giá 10.000 đồng/nhân sự/tháng.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét