Trong tập 14 "Shark Tank Việt Nam – Thương vụ bạc tỷ", ông Huỳnh Bá Ngọc, Chủ tịch Hội đồng quản trị CTCP Mực nhảy Biển Đông, giới thiệu một giải pháp phân phối mực với hy vọng sẽ mang đến những thay đổi tích cực cho cuộc sống của ngư dân và hệ sinh thái biển. Ông Ngọc đề nghị đầu tư 5 tỷ đồng đổi lấy 10% cổ phần. Số tiền 5 tỷ này sẽ được ông Ngọc dùng để gia năng lực thu mua bằng cách đầu tư vào hệ thống lồng bè đồng thời triển khai nhân giống, nuôi mực trong môi trường tự nhiên.
Mô hình hoạt động của Mực nhảy Biển Đông là thu mua mực từ ngư dân và bán lại cho các hệ thống hải sản lớn tại các tỉnh thành hoặc bán lẻ cho khách hàng. Mực nhảy Biển Đông sử dụng xe tải có các bể chứa nước với môi trường mô phỏng theo môi trường thực tế (độ lạnh, độ mặn) như trước khi bắt mực lên. Bằng cách này, Mực nhảy Biển Đông có thể vận chuyển mực hoàn toàn tươi sống. Với công nghệ như hiện tại, ông Ngọc tự tin có thể vận chuyển mực sang Lào.
Theo ông Ngọc, trong khoảng một năm trở lại đây, Mực nhảy Biển Đông đã mang cung cấp ra thị trường 12 tấn sản phẩm, tương đương doanh thu 8 tỷ đồng. Bên cạnh đó, công ty cũng đã mang lại giá trị cho những người ngư dân với số tiền 2 tỷ đồng. Ông Ngọc cũng tự tin khi nói rằng công nghệ vận chuyển mực mà Mực nhảy Biển Đông sở hữu có những điểm đặc biệt riêng mà ngay cả chuyên gia cũng chưa chắc đã nắm được.
Theo ông Ngọc, với cách đánh bắt hiện tại bằng thuốc nổ và khi kéo lưới ngư dân kéo cả cá con, ổ mực hay ổ cá, khoảng 5 năm nữa, tài nguyên hải sản ở biển sẽ cạn dần. Ngược lại, để có thể bắt được những con mực tươi sống như của Mực nhảy Biển Đông, ngư dân bắt buộc phải chuyển sang các cách khai thác bền vững hơn như câu hay dùng lưới đơn thuần.
Với cách đánh bắt truyền thống, ngư dân có thể bán mực ra thị trường với mức giá từ 80.000 đồng đến 130.000 đồng/kg. Trong khi đó, Mực nhảy Biển Đông đang thu mua vào với mức giá từ 250.000 đến 300.000 đồng/kg. Bên cạnh đó, mực tươi sống cũng có trọng lượng lớn hơn mực đã chết. Trọng lượng cao hơn cộng với mức giá cao hơn của Mực nhảy Biển Đông đang giúp ngư dân có thể phụ trội thêm 175.000 đồng/kg mực, theo ông Ngọc.
Sau khi nghe phần trình bày, Shark Hưng tỏ ra hoài nghi về sản phẩm của Mực nhảy Biển Đông khi cho rằng các khách sạn hay nhà hàng lớn thường không dùng hải sản "đang bơi" vì lý do an toàn thực phẩm. Các đối tượng khách hàng này vẫn thường thích dùng hải sản đông lạnh bởi vì loại thực phẩm này đã qua kiểm định. Shark Hưng đồng thời nói rằng cách bảo quản của ngư dân Việt Nam vẫn còn khá thô sơ và điều này khiến hải sản mất đi phần lớn giá trị.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét