Thứ Sáu, 6 tháng 8, 2021

Tâm lý 'mua sắm trả thù' sẽ là cú hích cho doanh nghiệp bán lẻ năm tới

  Theo thống kê của Q&Me, hiện thị trường tiêu dùng bán lẻ Việt Nam có kênh truyền thống (GT) vẫn chiếm tỷ lệ lớn 80%, bao gồm cửa hàng tạp hóa, chợ truyền thống,… và 20% còn lại là kênh hiện đại (MT) bao gồm siêu thị, mini stores, online,… Và xu hướng sẽ dịch chuyển thành 70% GT - 30% MT vào năm 2025.

Sự phục hồi của doanh nghiệp bán lẻ sẽ góp phần bởi tâm lý 'mua sắm trả thù' - Ảnh 1.

Biểu đồ xu hướng chuyển dịch ngành bán lẻ Việt Nam tới năm 2025. (Nguồn: Q&Me; Việt hoá: Tường Vy).

Bên cạnh đó, kênh MT đang được thống lĩnh bởi các doanh nghiệp lớn gồm CTCP Đầu tư Thế giới Di động (Mã: MWG) với 4.610 cửa hàng tính tới cuối tháng 6 năm nay cho ba thương hiệu Thế Giới Di Động, Điện Máy Xanh và Bách hóa Xanh;

CTCP Tập đoàn Masan (Mã: MSN) với 2.524 cửa hàng VinMart+ và 122 siêu thị VinMart; CTCP Vàng bạc Đá quý Phú Nhuận (Mã: PNJ) với 339 cửa hàng bán lẻ trên toàn quốc; và CTCP Vincom Retail (Mã: VRE) với 80 trung tâm thương mại (TTTM) chiếm 40% thị phần TTTM.

Theo báo cáo từ Chứng khoán BSC, các doanh nghiệp lớn trong ngành tiêu dùng đều có kế hoạch mở rộng chuỗi cửa hàng với tốc độ mở mới từ 15 - 25% trong năm nay. 

Qua đó, BSC cho rằng các doanh nghiệp tiêu dùng bán lẻ năm 2022 sẽ phục hồi lại tăng trưởng nhờ mở rộng quy mô chuỗi cửa hàng, thu nhập phục hồi và sức mua của người tiêu dùng tăng trở lại đặc biệt cú hích "mua sắm trả thù". 

Đồng thời, doanh nghiệp cũng được hưởng lợi khi hành vi của người tiêu dùng sẽ gia tăng vào kênh hiện đại MT nhờ sự tiện lợi, an toàn vệ sinh và xu hướng chuyển đổi số.

Báo cáo của BSC đưa ra số liệu tổng mức bán hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng trong 6 tháng đầu năm nay đạt gần 2,5 triệu tỷ, tăng 4% so với cùng kỳ năm trước, nhờ nhu cầu phục hồi từ cuối năm 2020. 

Số liệu quý II của Tổng cục Thống kê cho thấy nhóm bán lẻ hàng hóa tăng 2,6% so với cùng kỳ và chiếm gần 81% tổng doanh số bán lẻ. Tuy nhiên mức tăng này thấp hơn so với quý I là 5,3% do ảnh hưởng bởi dịch COVID-19 từ cuối tháng 5.

Nhóm ngành còn lại giảm nhẹ 0,04% so với mức nền thấp cùng kỳ năm 2020, chiếm 19% tổng doanh số bán lẻ. Nhóm này bao gồm dịch vụ lưu trú, ăn uống, lữ hành và dịch vụ khác, do chưa thể phục hồi sau 4 đợt tái bùng phát COVID-19 trên diện rộng. 

Nguồn: https://vietnambiz.vn/tam-ly-mua-sam-tra-thu-se-la-cu-hich-cho-doanh-nghiep-ban-le-nam-toi-20210806181409402.htm

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét